Trong bức thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã chứng minh nhận định của Bác là đúng đắn.
Di tích đồi Khau Tý, xã ĐiềmMặc - nơi đầu tiên Chủ tịch HồChí Minh đến ở và làm việc tại ATK Định Hóa (ngày 20/5/1947).Ảnh: TƯ LIỆU |
Việt Bắc trước đây gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm ở nước ngoài bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về, nơi Bác đặt dấu chân đầu tiên là Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Từ vùng đất này, Người đã xây dựng căn cứ cách mạng, tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và cũng từ Việt Bắc, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Song, nhân dân ta không được hưởng thái bình bao lâu bởi thực dân Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, buộc dân tộc ta phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ.
Ngược dòng lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa. Đến tháng 10-1946, khi chúng ta muốn hòa bình nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, buộc dân tộc ta phải sẵn sàng kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Tháng 11-1946, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách nghiên cứu, lựa chọn địa điểm xây dựng an toàn khu Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn)… là những địa điểm có đủ yếu tố địa lợi, nhân hòa, bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến làm địa điểm xây dựng ATK Trung ương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: "Việt Bắc có núi rừng hùng vĩ, có đồng bào các dân tộc giàu truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm. Với vị trí tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy cái thế mạnh nhân hoà và địa lợi của Việt Bắc, nên đã chọn Việt Bắc làm căn cứ địa chủ yếu của cuộc kháng chiến".
Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô lên ATK Việt Bắc. Tối 19/5/1947, Bác đến ở và làm việc tại Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) và ở đó cho đến tháng 10-1947. Từ nơi Bác ở có đường mòn xuống Đại Từ, ra Phú Lương (Thái Nguyên), sang Sơn Dương (Tuyên Quang), lên Chợ Đồn (Bắc Kạn) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.
Tại Thủ đô kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là bản huấn lệnh gửi Nam Bộ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho phong trào kháng chiến ở Nam Bộ đến các quyết định mở những chiến dịch quan trọng: Trung Du (1950), Đường 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông - Xuân 1951-1952), Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Thượng Lào (Xuân - Hè 1953) và Đông - Xuân 1953-1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Không chỉ là nơi phát tích Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm mà ATK còn là nơi Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo các hoạt động về kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước. Cũng từ trung tâm ATK Thái Nguyên, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - cẩm nang để đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong cách mạng sau này. Và ATK cũng là nơi thực hiện chế độ dân chủ mới, nơi đồng bào các dân tộc sớm được hưởng nền tự do, dân chủ…
Trong kháng chiến chống Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt, vùng tự do, vùng bị địch tạm chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông, liên lạc gặp nhiều khó khăn, nhưng sự liên hệ giữa ATK với các địa phương, chiến trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam luôn được giữ vững. ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ. Năm 1948, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Từ ATK, chuyến đi bí mật của Bác Hồ sang Trung Quốc, Liên Xô (1-1950) đã “phá vỡ vòng vây đế quốc”, mở ra thời kỳ phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Sự thất thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều ngày 7/5/1954 đã khẳng định lựa chọn xây dựng ATK tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là quyết định sáng suốt. Lịch sử chứng minh, ATK được thành lập không phải là một chủ trương nhất thời, ngẫu nhiên, bị động đối phó với tình thế, mà là kết quả của một chủ trương chiến lược được Đảng ta, Bác Hồ dự kiến từ trước, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình cách mạng Việt Nam.
Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa) trong kháng chiến chống Pháp. |
Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng. Cách đây đúng 70 năm, Thái Nguyên cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử là ATK trong kháng chiến. Ngày nay, các điểm di tích ATK không chỉ mang ý nghĩa nhân chứng lịch sử, mà còn là sự kết tinh những giá trị tinh thần của dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Các địa phương đã và đang thực hiện việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di tích ATK nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, phục vụ thiết thục cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin