Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên luôn quan tâm giáo dục là nội dung quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó Ngành chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, góp phần giáo dục học sinh (HS) phát triển toàn diện, đáp ứng yêu phát triển bền vững đất nước...
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tìm hiểu về văn hóa, truyền thống của quê hương Thái Nguyên. |
Tạo nền tảng vững chắc
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng ủy Sở GD&ĐT đã tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời ban hành các văn bản cụ thể, triển khai thực hiện gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Các đơn vị, trường học tham mưu xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn của các em HS.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng con người trong thời kỳ mới, một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Theo đó, Sở đã quan tâm cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng gắn với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giai đoạn 2021-2023, số cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn là hơn 1.630 người. Đến nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành trên 25.680 người; cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 89,47%; trên chuẩn đạt 31,28%...
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT quan tâm xây dựng củng cố mạng lưới trường lớp các cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn tỉnh hiện có 605/681 trường học đạt trường chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,19%. 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về ý nghĩa, tác dụng của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh.
Giờ học tại Trường Tiểu học Yên Ninh, xã Yên Ninh (Phú Lương). |
Chú trọng giáo dục toàn diện
Vừa được đại diện trên 5.000 đảng viên của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tham dự Cuộc thi tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cấp tỉnh, anh Nguyễn Việt Dũng, đảng viên thuộc Đảng bộ Sở GD&ĐT, đã chuẩn bị bài dự thi rất công phu, ý nghĩa và xuất sắc giành giải Nhất.
Anh Dũng chia sẻ: Là một tuyên truyền viên, tôi đã tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và hình thành cho HS phẩm chất nổi bật: “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa, con người.
Để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa, mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực hưởng ứng. Từ đó, các cơ sở giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; nêu cao trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, thành lập các câu lạc bộ năng khiếu, sở thích. Tổ chức cho HS tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống cho HS. Tỷ lệ các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc ngành GD&ĐT đạt chuẩn về văn hóa hằng năm từ 97% trở lên.
Bên cạnh đó, các trường học chú trọng giáo dục toàn diện, để HS rèn đức, luyện tài, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái độc hại xâm nhập từ bên ngoài. Các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hóa, hướng cuộc sống tới các giá trị chân - thiện - mỹ ngày càng cao.
Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động và HS tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được tăng cường. Trong giai đoạn 2014-2024, toàn Ngành đã tổ chức được trên 20.000 hội thi văn nghệ, thể thao, trên 25.000 hoạt động, với hơn 100.000 lượt giáo viên và HS tham gia như: Hội thi Tiếng hát giáo viên, Giải thể thao toàn ngành, Hội thi Giai điệu tuổi hồng...
Đặc biệt, trong năm học 2023-2024, cán bộ, giáo viên và HS tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sở GD&ĐT tiếp tục giữ vững thành tích nhiều năm liên tục đạt top 10 Sở GD&ĐT dẫn đầu, đoạt giải tập thể đồng hạng: Đơn vị có tỷ lệ HS tham gia làm bài thi nhiều nhất Cuộc thi, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 1 giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ đoạt giải Nhất, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 1 HS Trường THPT Trại Cau đoạt giải Ba được Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Trong năm học, Sở cũng đã tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ 18, với 48 đoàn và 4.146 lượt vận động viên tham gia 14 môn thi đấu. Ban Tổ chức đã trao 3.587 huy chương và 386 cờ các loại cho các tập thể, cá nhân đoạt giải...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin