Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, tiêu biểu nhất là vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng CĐS quốc gia. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, về nội dung này.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông (người đứng) hướng dẫn các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. |
P.V: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác CĐS năm qua?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Năm 2023, công tác CĐS của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS được tăng cường, lan tỏa.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong cơ quan Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng số giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận các nền tảng số.
Toàn tỉnh đã thực hiện đạt 13/14 tiêu chí đánh giá của Nghị quyết số 01-NQ/TU. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 65% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 42,92%; tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 5.079 doanh nghiệp số; hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ tới 100% đơn vị hành chính cấp xã và 75% số hộ gia đình; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu tài khoản thanh toán điện tử…
P.V: Năm 2023 được chọn là Năm Dữ liệu số quốc gia, riêng trong lĩnh vực này, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Năm Dữ liệu số quốc gia được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển dữ liệu, tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam. Xác định được tầm quan trọng của dữ liệu số, năm 2023, Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ, tiện ích theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; quan tâm tổng hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo kho dữ liệu dùng chung…
Đến nay, 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh tiếp tục được phát triển và khai thác hiệu quả.
Thái Nguyên cũng hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp; tiếp tục tích hợp thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID…
Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh thực hiện đạt gần 4,6 triệu giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; thu nhận 80.645 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, 975.241 tài khoản định danh điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện tiếp đón người bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID…
Năm 2023, Thái Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID. |
P.V: Ông hãy cho biết kế hoạch đẩy mạnh CĐS trong thời gian tới của tỉnh Thái Nguyên?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt công tác CĐS trên địa bàn, thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện xây dựng Trung tâm Dữ liệu tỉnh phục vụ CĐS của các cơ quan Nhà nước theo hướng hiện đại bằng các công nghệ mới; phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở rộng, nâng cao chất lượng đường truyền Internet, phủ sóng di động; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các ngành, địa phương tiếp nhận, kế thừa, sử dụng các cơ sở dữ liệu đã được Trung ương đầu tư, xây dựng và nâng cấp, phát triển cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp…
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin