Huyện Đại Từ hiện có khoảng 6.600ha chè, trong đó chè giống mới chiếm tới 90% diện tích. Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ đó ngày càng khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm chè Đại Từ trên thị trường.
Huyện Đại Từ đã xây dựng được 3 vùng sản xuất chè tập trung, với tổng diện tích trên 230ha. Trong ảnh: Vùng chè sản xuất tập trung tại xã Hoàng Nông có diện tích 77,2ha. |
Vùng đất Đại Từ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Nếu như trước đây, chè được xác định là cây xóa đói giảm nghèo, thì nay đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân làm giàu. Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Để nâng tầm thương hiệu chè, huyện đã tập trung chỉ đạo cải tạo, trồng mới các giống chè cho năng suất, chất lượng cao; sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và đa dạng các sản phẩm từ chè; phát triển kinh tế tập thể, giảm dần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Cùng với đó, địa phương cũng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá, tạo đầu ra cho sản phẩm…
Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng, xã La Bằng, là đơn vị tiên phong trong sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Ông Hứa Văn Thịnh, Giám đốc HTX, cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đã tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến chè; áp dụng truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thông tin minh bạch về sản phẩm. Cùng với đó, HTX cũng tăng cường sử dụng công nghệ vào quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm của HTX đạt OCOP 4 sao. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp có thẩm quyền công nhận OCOP 5 sao.
Hợp tác xã chè La Bằng đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp có thẩm quyền công nhận OCOP 5 sao cho sản phẩm trà của đơn vị. |
Không chỉ có HTX chè La Bằng mà nhiều HTX, doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Đại Từ đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất chè theo quy trình VietGAP, hướng đến hữu cơ. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện Đại Từ đã cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 200ha chè, tại 18 xã, nâng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn này lên trên 1.800ha, chiếm 45,9% diện tích chè tập trung. Huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch ở một số địa phương như: La Bằng - Phú Xuyên, Hoàng Nông, Tân Linh với diện tích trên 230ha.
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè huyện Đại Từ, đánh giá: Chè Đại Từ ngày càng khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh việc liên kết các HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè; hỗ trợ các đơn vị xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chúng tôi cũng tăng cường quảng bá, xây dựng mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; đưa sản phẩm trà lên sàn thương mại điện tử để sản phẩm lan tỏa nhanh hơn, xa hơn.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2023, sản lượng chè búp tươi của Đại Từ đạt trên 80.000 tấn (tăng khoảng 3.000 tấn so với năm 2022); giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè đạt gần 500 triệu đồng; trong tổng số 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương thì chè chiếm đến 80%...
Các thương hiệu chè có tiếng ở Đại Từ như La Bằng (Hợp tác xã chè La Bằng), Hà Thái (Công ty CP chè Hà Thái)… được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Đặc biệt, những sản phẩm này còn được lựa chọn, giới thiệu và làm quà tặng tại các hội nghị lớn, quan trọng ở trong và ngoài nước.
Có thể nói, chè Đại Từ đã dần khẳng định được chỗ đứng cũng như thương hiệu trên thị trường bởi hương vị đậm đà, riêng có. Theo ông Trần Đăng Minh, người sản xuất và chế biến chè Đại Từ cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để sản xuất ra các sản phẩm trà chất lượng hơn nữa. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì tốt việc quy hoạch các vùng chè sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ chè…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin