Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đang tập trung xuống đồng làm cỏ, bón thúc đảm bảo cây lúa vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn của huyện cũng đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn và khô vằn trên lúa xuân. |
Võ Nhai có đặc thù là huyện vùng cao, khung thời vụ gieo trồng vụ xuân thường muộn hơn các địa phương khác trong tỉnh. Ngay từ đầu vụ, công tác chỉ đạo gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ lúa đã được huyện triển khai tích cực. Trong vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy trên 1.710ha lúa, đạt 100,62% kế hoạch, với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh gây hại.
Diện tích gieo cấy lúa chủ yếu của huyện tập trung ở các xã phía Nam và ven Quốc lộ 1B, trong đó xã Tràng Xá gieo cấy được 208,5ha; xã La Hiên 190ha; xã Bình Long 196ha… Huyện đặt mục tiêu năng suất lúa xuân đạt bình quân gần 55 tạ/ha, sản lượng đạt trên 9.300 tấn.
Để hoàn thành tốt mục tiêu này, địa phương đã thực hiện hỗ trợ giống lúa chất lượng cao đối với 458ha cho các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho các trà lúa. Đến nay, theo đánh giá, diện tích lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt và đang vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Nông dân trên địa bàn hiện đang tích cực chăm sóc, theo dõi và phòng trừ một số loại sâu bệnh hại như: đạo ôn lá, khô vằn, rầy gây hại trên các loại lúa…
Nông dân xã Tràng Xá phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá, khô vằn lần 2 trên lúa xuân. |
Dân Tiến là một trong những xã có diện tích lúa xuân lớn của huyện Võ Nhai, với 198ha, chủ yếu cấy các giống BTE1, J02, ADI28… Để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc và sử dụng lượng phân bón hợp lý, khuyến cáo về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, lúa trồng trên địa bàn xã đang bước qua giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ sản xuất lúa năm nay dồi dào và thuận lợi.
Riêng diện tích lúa trên cánh đồng Phương Bá, thuộc địa bàn các xóm: Phương Bá, Đồng Quán, Làng Chẽ, Thịnh Khánh (chiếm gần 150ha trong tổng diện tích trồng lúa của xã), được cán bộ khuyến nông thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, cập nhật theo tuần.
Ông Lương Hồng Sơn, Trưởng xóm Phương Bá, cho biết: Chúng tôi đang tận dụng thời tiết thuận lợi để xuống đồng làm cỏ, bón thúc cho lúa và phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá, khô vằn lần 2. Trước đó, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chúng tôi chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn lá, khô vằn từ khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh, nên lúa không bị nhiễm bệnh và sinh trưởng tốt.
Để chủ động làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên diện tích lúa xuân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai đã tăng cường công tác điều tra dự tính, dự báo định kỳ sâu bệnh hại và thông báo phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương tiến hành tập huấn về chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh hại lúa ở từng thời điểm phát triển cho nông dân.
Theo điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, hiện nay, trên địa bàn đã xuất hiện rải rác bệnh đạo ôn lá và bệnh khô vằn ở cây lúa. Cụ thể, bệnh đạo ôn lá tỷ lệ hại trung bình toàn huyện chiếm khoảng 0,5%-2% diện tích, nơi cao có thể chiếm từ 3%-5% diện tích, cục bộ có điểm xuất hiện bệnh 15%-20% diện tích. Với bệnh khô vằn, tỷ lệ hại trung bình toàn huyện từ 3%-5% diện tích; trong đó, nơi cao chiếm từ 10%-15% và cục bộ có điểm chiếm 30% bị hại.
Ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, thông tin: Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ Khuyến nông các xã hướng dẫn bà con một số biện pháp phòng, trừ đối với bệnh đạo ôn lá, khô vằn. Theo đó, để đề phòng lúa nhiễm 2 loại bệnh trên, Trung tâm khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali kết hợp làm cỏ, súc bùn giữ nước hợp lý, đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt để phòng bệnh.
Với các diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn, bà con nông dân huyện Võ Nhai được hướng dẫn biện pháp trừ bệnh bằng cách dừng bón phân đạm, không phun kích thích sinh trưởng và phân bón lá, giữ đủ nước trong ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu khi bệnh mới xuất hiện.
Những ruộng bị nặng cần phun kép 2 lần, cách nhau từ 5-7 ngày, sử dụng một số thuốc như: Fuji-one 40EC, 40Wp; Lúa vàng 20WP; Kasai-S-95SC… Đối với diện tích đã nhiễm bệnh khô vằn, nếu kiểm tra thấy 5%-7% số dảnh bị bệnh trở lên cần sử dụng một trong các loại thuốc để phun như: Validacin 5SL, Tilt super 300EC, Anvil 5EC… |
Thời gian tới, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào, độ ẩm cao sẽ thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa. Cơ quan chuyên môn huyện Võ Nhai khuyến cáo bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện các loại sâu bệnh gây hại cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” để phòng trừ (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin