Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên, trong 3 năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 287 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó có 45 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, 233 vụ gian lận thương mại, 9 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này cho thấy, vi phạm trong hoạt động TMĐT chưa có chiều hướng giảm, nếu không muốn nói là tiếp tục gia tăng.
Theo Hiệp hội Thương mại Việt Nam, Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển kinh doanh TMĐT đứng thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có trên 2.470 tên miền “.vn” và 124 website TMĐT được Bộ Công Thương xác nhận. Chính sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động TMĐT trên địa bàn là điều kiện để các đối tượng lợi dụng buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng…
Các đối tượng sử dụng phương thức ngày càng tinh vi, không dễ để phát hiện, xử lý. Thường là tàng trữ hàng hóa kinh doanh ngay tại nhà ở, nhà trọ; quảng cáo, giới thiệu và bán hàng qua mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT.
Điều đáng nói là các trường hợp này đều không có địa chỉ cụ thể, hoặc địa chỉ không liên quan, giả mạo địa chỉ để tổ chức giới thiệu, bán hàng vào thời gian ngoài giờ hành chính.
Cách thức giao dịch không thường xuyên, liên tục, không cố định giờ cụ thể. Địa chỉ giao dịch một nơi nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác hoặc kết hợp vừa là nơi giao dịch vừa là nơi ở, cất giấu và tổ chức bán hàng qua mạng xã hội hoặc qua sàn TMĐT.
Hơn nữa, các chủ thể bán hàng giả, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, ngồi một nơi và bán hàng một nơi. Các đối tượng này thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ sư chuyên trách tư vấn.
Điều này khiến công tác kiểm tra, xác minh, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, đối tượng dễ trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật. Cá biệt, nhiều trường hợp có hành vi cản trở lực lượng chức năng trong kiểm tra, xác minh, khám xét nơi cất giấu hàng hóa.
Một điểm đáng lưu ý là các đối tượng đã lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Tại tỉnh Thái Nguyên, ngoài các đơn vị, doanh nghiệp có văn phòng giao dịch và được phép hoạt động bưu chính, chuyển phát, còn phát sinh rất nhiều tổ chức, cá nhân tự phát hoạt động dịch vụ tương tự, lợi dụng kẽ hở của hành lang pháp lý để vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô chung, xe khách, xe hợp đồng du lịch…
Được biết, kẽ hở để các đối tượng có thể buôn bán gian lận chính là việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch TMĐT.
Thực tế cho thấy, đã có những đối tượng duy trì thường xuyên hàng chục, thậm chí có vụ việc được phát hiện, đối tượng sử dụng tới hàng trăm tài khoản trên các sàn thương mại điện tử khác nhau để dễ dàng thay đổi khi bị phát hiện.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận, nhận thức và sự hiểu biết của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, tâm lý thích dùng hàng hiệu giá rẻ vẫn còn phổ biến. Nhiều trường hợp còn e ngại, không dám tố cáo, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
Các chuyên gia dự báo, thời gian tới tình hình vi phạm trong hoạt động TMĐT sẽ có nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi và phức tạp hơn. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, mức độ phạt nhẹ như hiện tại thì không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đã có nhiều trường hợp sẵn sàng nộp phạt để rồi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm với quy mô, mức độ ngày càng lớn hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin