Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là thời điểm cao độ diễn ra các hoạt động giao thương hàng hóa chuẩn bị Tết. Cũng trong dịp này, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trà trộn kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm. Chính vì thế, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang căng mình kiểm soát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng huyện Phú Lương kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. |
Theo dự báo, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm có nguy cơ gia tăng. Nhiều mặt hàng cấm (như: ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ...) hay hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng (như: xăng dầu, khí hóa lỏng, khoáng sản, phân bón, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử...) được các đối tượng lựa chọn để vận chuyển, tiêu thụ trái phép.
Với tỉnh Thái Nguyên, do có vị trí địa lý thuận lợi, lại là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, nên khó tránh khỏi tình trạng buôn lậu hàng hóa. Để chủ động kiểm soát, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và các ngành, địa phương đã và đang triển khai thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình, dự tính, dự báo và kiểm soát giá cả thị trường, hoạt động cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Đồng thời chủ động nhận diện phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu; xác định rõ đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung kiểm soát (như: vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang...). Qua đó phấn đấu không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái với quy định của pháp luật; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu đón Tết của nhân dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tự chọn, kho chứa hàng đông lạnh, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; tập trung kiểm soát các khu vực trọng điểm, nơi tập kết, phát luồng hàng hóa, các sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee…), các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…); chủ động kiểm soát khâu lưu thông tại các tuyến Quốc lộ như: Quốc lộ 1B nối với tỉnh Lạng Sơn; Quốc lộ 3 nối với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; Quốc lộ 37 nối với tỉnh Tuyên Quang và các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, đường sắt, đường sông trên địa bàn.
Tỉnh cũng chỉ đạo cương quyết xử lý, xem xét trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần. Đặc biệt là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và nói không với tiêu cực, bao che, tiếp tay hay làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo yêu cầu của tỉnh, ngoài kiểm soát chặt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, các ngành, địa phương còn phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin