Không bùng phát thành đại dịch như khi mới xuất hiện nhưng thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) vẫn âm ỉ xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, từ tháng 8-2023 đến nay, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng ở những nơi có tổng đàn lợn lớn. Tại Thái Nguyên cũng vừa xuất hiện 1 ổ dịch TLCP, nên đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được quan tâm thường xuyên, tránh lơ là, chủ quan.
Ảnh minh họa. |
Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 10 tháng qua, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch TLCP, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk… Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung thực phẩm ở nhiều địa phương.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, đầu tháng 11 vừa qua, tại tổ dân phố Tiến Bộ, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), phát hiện 1 ổ dịch TLCP với tổng đàn 31 con, trong đó số lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu huỷ là 5 con. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế, cơ bản dập được ổ dịch, không để dịch lây lan sang các địa phương khác.
Theo cơ quan Thú y Thái Nguyên, nguy cơ dịch TLCP tái phát và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh là rất cao. Các phân tích cho thấy, đặc điểm của vi rút TLCP là có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.
Ở thời điểm hiện nay, khi thời tiết giao mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan, trong đó có dịch TLCP. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tăng cao; việc áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh đối với chăn nuôi quy mô nông hộ còn hạn chế; công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh nhiều nơi chưa kịp thời… là nguyên nhân dễ khiến dịch TLCP tái bùng phát.
Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, khai báo, kê khai chăn nuôi theo đúng quy định. Đồng thời tập trung kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch TLCP, kịp thời phát hiện các ổ dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và đưa ra các biện pháp chống dịch hiệu quả.
Tăng cường hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, thu gom, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, siêu thị, điểm kinh doanh sản phẩm động vật.
Đối với chính quyền các địa phương, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các hộ chăn nuôi thấy được mức độ nguy hiểm và tác động tiêu cực của dịch TLCP đối với ngành chăn nuôi và kinh tế hộ.
Chính quyền cơ sở phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm giám sát, phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch mới xuất hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, tự ý chữa trị, bán chạy hoặc giết mổ lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh và vứt xác lợn ra môi trường.
Quan tâm quản lý tốt công tác tái đàn, tăng đàn lợn, khai báo, kê khai chăn nuôi. Triển khai ngay các đợt tổng vệ sinh, khử trùng tại các khu vực có dịch, vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng ổ dịch cũ, có nguy cơ cao bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.
Tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn tại các địa phương đã và đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vứt xác động vật ra ngoài môi trường; thường xuyên kiểm tra tại các hồ, đập, sông, suối, kênh mương, nếu phát hiện xác động vật phải có biện pháp tiêu hủy theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin