Khe Mong là xóm vùng cao của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), nơi có trên 95% số dân là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Mông). Ngoài lúa và ngô thì cây chè đã bén rễ trên mảnh đất này từ năm 1975. Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân Khe Mong mạnh dạn chuyển đổi giống và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa chè trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính.
Từ trung tâm xã Văn Lăng, chúng tôi cho xe chạy trên tuyến đường tỉnh 272 hơn 1km, tấm bảng lớn với dòng chữ “Làng nghề chè Khe Mong kính chào quý khách” chỉ dẫn vào tuyến đường nhánh bê tông trong xóm. Theo giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Mùi, một trong những người có trên 30 năm kinh nghiệm sản xuất chè.
Ông Mùi kể: Năm 1982, tôi cùng nhiều bà con người Mông từ Cao Bằng về xóm Khe Cạn khai hoang (từ năm 2019, xóm Khe Cạn và xóm Mong sáp nhập thành Khe Mong) đã thấy người dân trồng chè hạt trong vườn làm thức uống hàng ngày. Từ năm 1989, huyện Đồng Hỷ hỗ trợ 14 hộ dân xóm Khe Cạn hạt chè giống và kinh phí đào luống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc chè, riêng gia đình tôi trồng gần 1ha chè. Nhờ có cán bộ hướng dẫn, chỉ bảo tận tình nên moi người hăng hái làm theo. Về sau bà con trong bản bảo nhau bỏ hạt, giâm cành xuống đất, chè cứ thế phủ xanh núi đồi. Lâu dần, sản phẩm chè trở thành hàng hóa được trao đổi, mua bán không chỉ ở phiên chợ mà người buôn tìm đến mua tận vườn. Cũng nhờ có cây chè, gia đình tôi có tiền nuôi con cháu ăn học, trưởng thành.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Kính thu hái chè. |
Rời nhà ông Mùi, chúng tôi đi 1 vòng quanh xóm, gặp vợ chồng anh Hoàng Văn Kính, chị Hoàng Thị Sía đang thu hái chè. Gia đình nhà anh Kính có 3 sào chè lai đã trồng được 4 năm; hiện cho thu hoạch từ 6-7 lứa mỗi năm, với giá bán từ 140-180 nghìn đồng/kg chè búp khô.
Anh Kính phấn khởi nói: Trước đây nếu chỉ trồng lúa, ngô thì tôi phải đợi 4, 5 tháng mới có hạt thóc, hạt ngô, còn cây chè cho thu hoạch liên tục. Vụ đông vừa qua nhà tôi thu được 70kg chè khô, với giá bán 180 nghìn đồng/kg. Thu nhập khá từ chè giúp gia đình có điều kiện ăn Tết to hơn mọi năm.
Không riêng vợ chồng anh Kính, chị Sía mà 83 hộ dân với 204 người làm nghề chè ở xóm cũng đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn từ cây chè. Toàn xóm Khe Mong có 40ha đất trồng chè, trong đó 29ha chè kinh doanh, chủ yếu là các giống chè lai như: LDP1, TRI777, Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên...
Trung bình mỗi năm, xóm sản xuất được khoảng 300 tấn chè búp tươi. Thu nhập bình quân người làm chè đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Giá chè bình quân đạt 170.000 đồng/kg chè búp khô. Cùng với việc chuyển đổi sang giống chè mới, bà con trong xóm còn tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện xóm có trên 65% số hộ dùng tôn quay inox, 40 máy vò và 1 máy hút chân không. Trên địa bàn đã có 5ha chè được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Đây là những kết quả nổi bật của xóm mà chúng tôi được nghe trong Lễ đón Bằng công nhận Làng nghề chè xóm Khe Mong diễn ra cuối tháng 1 vừa qua.
Anh Hoàng Văn Sỉnh, Trưởng xóm kiêm Trưởng làng nghề chè xóm Khe Mong, cho biết: Khi được công nhận là làng nghề chè, bà con ai cũng phấn khởi và hy vọng từ nay sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ làng nghề, không chỉ về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, có bao bì, nhãn mác mà còn xây dựng thương hiệu, góp phần nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin