Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay”… Lời thơ hào sảng trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu reo vang như một khúc hoan ca, đưa ta về với vùng đất bên chân núi Hồng. Ở đấy có gió reo, suối hát, có vầng bông bụt Bác trồng bên hiên mái lán Tỉn Keo (Phú Đình, Định Hóa) - nơi “mạch nguồn” làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài suốt ba nghìn ngày không nghỉ.
Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, Bộ Chính trị đã thông qua Phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 củaTổng Quân ủy và Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Mỗi năm có hàng nghìn du kháchthăm mái lán Tỉn Keo. |
Cụ Ma Đình Được, 82 tuổi, xóm Hoàng Hà (Phú Đình) tự hào: Suốt tuổi thơ của tôi được chứng kiến một không khí thi đua hướng lên miền Tây Bắc Tổ quốc. Các thế hệ cha, anh tôi đã “không sờn lòng/không tiếc tuổi xanh”. Nhiều tuổi trẻ lên đường tòng quân, hoặc tham gia thanh niên xung phong đi mở đường, tải lương. Người ở lại tham gia các phong trào thi đua ái quốc như diệt giặc đói, giặc dốt, tích cực tăng gia sản xuất…
Vùng đất huyện Định Hóa hồi bấy giờ trở thành trung tâm thủ đô kháng chiến của cả nước. Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Định Hóa làm “đại bản doanh”. Đặc biệt ở lưng đồi Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần đặt đại bản doanh. Lần 1 từ ngày 7-3 đến 5-4; lần 2 từ ngày 25-5 đến ngày 12-9 (cùng năm 1948) và lần 3 vào cuối năm 1953. Mái lán Tỉn Keo vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị lựa chọn làm nơi thông qua Phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy và quyết định ở chiến dịch mang mật danh Trần Đình - Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch kết thúc một chặng đường “ba nghìn ngày”. Đỉnh cao chiến dịch là “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non…”, quân, dân cả nước đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Một đòn đánh chí mạng đập tan hoàn toàn kế hoạch quân sự Nava, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.
Ngày làm nên “Thiên sử vàng” ấy đã trôi qua 70 năm. Bụi thời gian phủ mờ một ký ức gian khổ, hận thù chiến tranh khép lại, nhưng ở lưng đồi Tỉn Keo sẽ không bao giờ bị mất đi một mái lán đơn sơ ghi dấu ấn lịch sử. Cùng đó là một thiên sử ca oai hùng, một di sản vĩ đại, tự hào để dân tộc Việt Nam đi tiếp những năm tháng kháng chiến đến ngày toàn quốc thống nhất; tiếp tục giữ vững chủ quyền biên cương và tham gia hội nhập sâu với các cường quốc trên thế giới.
Cán bộ, nhân dân xã Phú Đình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chè chất lượng cao. |
Tự hào về điều đó, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Phú Đình phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trao đổi với chúng tôi, anh Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình tự hào: Trên địa bàn xã có nhiều địa danh lịch sử cách mạng, đó không chỉ là di tích, mà còn là một trường học lớn giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Hiện xã Phú Đình có 13 xóm, gần 1.600 hộ, gần 6.300 nhân khẩu. Trong xã không còn hộ ở nhà tạm; hơn 1.430 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng quy định, đạt hơn 91%; thu nhập bình quân đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện nâng cao, với 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Hầu hết các gia đình đều có phương tiện nghe, nhìn; gần 90% người trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh. Hộ có ô tô không còn là “của hiếm”. Từ năm 2019, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2023 thì cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao.
Anh Nông Đình Khiết, công chức văn hóa xã cho biết: Để có một Phú Đình khang trang như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài hơn 10 năm địa phương quyết liệt cho xây dựng NTM. Gần đây là xây dựng NTM nâng cao, xã tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng hạ tầng cơ sở. Với tổng vốn được huy động hơn 47,7 tỷ đồng, trong đó hơn 31,2 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, hơn 7 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ khác; gần 9,5 tỷ đồng huy động từ đóng góp của nhân dân. Từ phát huy vai trò dân chủ, cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước nên lòng dân đồng thuận, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình trong xây dựng hạ tầng cơ sở, nhiều hộ sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường, xây dựng trạm điện, hệ thống thủy lợi. Đã có hơn 5.000m2 đất do nhân dân tự nguyện hiến trong giai đoạn 2020-2023.
Phú Đình, nơi phát tích “mạch nguồn” ba nghìn ngày không nghỉ để quân, dân cả nước làm nên một chiến thắng “Chấn động địa cầu” đã hoàn toàn “thay da, đổi thịt”. Những tuyến đường Đồng Chùng - Đồng Kệu; Quan Lang; Đèo De; Khuôn Tát… không còn bầm dập vì ổ gà; nhiều tuyến đường nội đồng và công trình thủy lợi được cứng hóa; hơn 700ha đất sản xuất nông nghiệp chủ động được nước tưới. Hỏi chuyện làm ăn, anh Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ninh tự hào: Trên địa bàn hiện có 6 HTX đang hoạt động hiệu quả. Từ năm 2022, Phú Đình có sản phẩm Tâm Tâm Trà được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Còn HTX Phù Ninh chúng tôi đang tổ chức thành công mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ trên diện tích 10ha, với 26 hộ tham gia.
Trở lại đồi Tỉn Keo, vẫn còn đây một mái lán đơn sơ mà như hội tụ cả hồn thiêng sông núi. Tôi lặng lẽ ngắm màu đỏ hoa bông bụt Bác trồng, liên tưởng tới những ngày này của 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã hiệu triệu những binh đoàn tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin