Cuối Xuân, đầu Hạ, ấy là thời điểm giao mùa, cũng là thời điểm của bao loài hoa khoe sắc. Trên dải đất hình chữ S thân thương, hầu như nơi nào cũng rực rỡ sắc hoa mỗi khi trời đất chuyển mùa. Có loài hoa đã trở thành biểu tượng, linh hồn của một vùng đất và ban là một trong những loài hoa ấy. Tháng Ba, khi hoa đào đã tàn phai và những trận mưa Xuân còn rơi rớt lại, cũng chính là lúc mùa ban bắt đầu, mùa ban sẽ kéo dài hết tháng Tư. Mùa hoa ban, cả trời Tây Bắc ngợp một sắc hoa, đẹp như trong tranh vẽ. Từ ngàn đời nay, hoa ban đã gắn liền với đời sống của người dân Tây Bắc, góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này mà chẳng nơi nào có được.
Ảnh Nguyên Ngọc |
Hoa ban là “món quà” thiên nhiên ban tặng, biến Tây Bắc trở nên hấp dẫn, khiến bước chân của lữ khách cứ dùng dằng khi đến mùa ban. Vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban tựa như tâm hồn người con gái Thái, mang trong mình huyền tích diễm lệ của tình yêu đôi lứa. Huyền tích kể rằng: Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban vừa khéo tay dệt vải, lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng.
Mặc cho cô gái hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định. Và ông đã bàn cùng với nhà tạo mường sửa soạn làm lễ cưới cho hai người. Trong bước đường cùng, nàng Ban chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may, khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở nơi xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa, nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng ngã xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc. Và hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Hình như mỗi loài hoa đều gắn với một chuyện tình. Và hình như đó đều là những câu chuyện tình giang giở với cái kết buồn. Phải chăng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, phải chăng từ câu chuyện tình diễm lệ của nàng Ban mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo khi đến Lai Châu những năm 80 của thế kỷ trước, gặp những cánh ban rung rinh đón nắng, gió trời đã bật lên câu thơ ghim vào người đọc: Hoa ban nở thành người con gái Thái/Đám mây bay trong thau nước gội đầu… (Gửi Lai Châu). Đã có nhiều lắm những câu thơ về hoa ban, bởi trước vẻ đẹp tinh khôi của ban, thi sĩ nào không rung động. Nhưng tôi đồ rằng, khó có câu thơ nào về hoa ban hay hơn câu thơ của Trần Mạnh Hảo. Huyền tích nơi nàng Ban nằm xuống đã mọc lên một cây hoa búp trắng như búp tay người con gái, thế nên, tứ thơ từ huyền tích vút lên: Hoa ban nở thành người con gái Thái… Hoa ban là cô gái Thái, cô gái Thái là hoa ban. Như thực như mơ, lung linh huyền ảo, hoa ban nở ra cô gái Thái, như cô Tấm hiện ra từ quả thị trong cổ tích ngày nào.
Trước khi xuất hiện trong thơ Trần Mạnh Hảo, ban từng nở rộ trong những trang ký lấp lánh của nhà văn Nguyễn Tuân: Ban ở sau lưng anh, ban ở trước mặt, ban ở bên phải, ban ở bên trái, ban ở trên đầu ở trên đỉnh núi, ban ở dưới chân ở trong lòng lũng. Ban ngang ngang tầm người anh nhưng lại nép ở bên kia mép vực đá. Nếu không thấy sợ sa xuống vực, cứ vừa bước vừa ngước lên, thấy mây trời cứ vờn vào nhị vào cánh ban trong suốt, ánh sáng như lọc qua một thứ giấy thông thảo hồng hồng. Nếu không sợ vấp, vừa bước vừa nhìn xuống vực sâu, thấy rừng hoa trắng như đang loãng ra trên dòng suối thăm thẳm xanh ve dưới lũng sâu. Trắng trời trắng núi một thế giới ban (Nhật ký Lên Mèo).
Ấy là ban trong thơ Trần Mạnh Hảo, ban trong ký Nguyễn Tuân. Còn bây giờ đang là mùa ban, muốn ngắm ban Tây Bắc, bạn hãy bắt đầu cuộc hành trình từ Hà Nội theo Quốc lộ số 6 mà ngược lên. Cứ nhẩn nha đi rồi sẽ gặp, đến Hoà Bình - cửa ngõ vùng Tây Bắc sẽ thấy ban. Càng đi, ban càng nhiều, có những cây ban bên đường hầu như không thấy lá, một màu hoa trắng bồng bềnh khiến bạn chỉ muốn dừng xe lao xuống đường mà ghi lại khung cảnh đẹp đến nao lòng. Để rồi thầm ghen tỵ: Mẹ thiên nhiên đã ban cho Tây Bắc sông Mã, sông Đà kỳ vĩ, đã tặng cho Tây Bắc tứ đại đèo huyền thoại, lại còn thêm vào vùng đất này trắng trời, trắng đất những mùa ban… Ghen tỵ đấy mà cũng đầy tự hào, bởi đất nước ta tươi đẹp biết bao, mỗi cỏ cây hoa lá trên mảnh đất quê hương đều mang hồn xứ sở. Ban tô điểm cho Tây Bắc cũng chính là tô điểm cho đất nước mình.
Rời Hòa Bình, tiếp cuộc hành trình bạn sẽ đến Sơn La. Sơn La mùa ban đẹp như tranh. Ngay khi bắt đầu vào địa phận thành phố, dọc tuyến đường Lê Duẩn, phường Chiềng Sinh kéo dài gần 10 ki-lô-mét đến ngã ba đường Chu Văn An, phường Quyết Tâm, những cây ban đang bung nở hoa khoe sắc trắng tinh khôi xen lẫn với sắc tím mộng mơ chào đón bạn. Đến giữa lòng Thành phố, bạn sẽ thấy ban ở Quảng trường bung nở rực rỡ, đẹp như chẳng thể đẹp hơn.
Lên Tây Bắc sẽ gặp bạt ngàn hoa ban, nhưng thánh địa của người Thái - thánh địa của ban là Điện Biên. Khắp Điện Biên, đâu đâu cũng thấy ban. Đi dọc núi rừng, qua những con đường dẫn vào thành phố Điện Biên Phủ hay những lối nhỏ tới các bản làng, bạn đều bắt gặp những hàng hoa ban đang nở rực rỡ, hòa mình vào ánh nắng hanh hao của đất trời Tây Bắc. Ban bao phủ cả thung lũng xa xăm, cánh ban tung xòe, điểm những chấm trắng muốt lên nền trời xanh thẳm… Mà thôi, tôi không tả nữa, bây giờ đang là mùa ban, bạn chờ gì mà không lên Tây Bắc!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin