Ngày tôi còn bé, khoảng những năm 1980, bố tôi thi thoảng kiếm được mớ chạch đồng, con to như ngón tay cái, nhìn béo múp, thích mắt cực kỳ. Bố lấy cái xoong gang đựng chạch rồi vục một bát tô tro bếp đổ vào, đậy vung thật nhanh. Đám chạch bên trong bị tro quấn vào người, vừa xót, vừa khô nhớt nên giãy đành đạch, va vào nồi nghe cứ bình bịch, bình bịch.
Sau đó bố sai tôi mang bát con sang hàng xóm xin mẻ, còn chị gái tôi thì cắp rổ đi ra bờ rào hái cúc tần, những ngọn cúc tần bánh tẻ, không non và không già, xanh mướt. Chốc chốc, bố lại nhấc xoong chạch lên xóc xóc cho đều. Đến khi không còn nghe tiếng giãy nữa, bố mới đem đi rửa thật sạch rồi cho sang xoong nhôm để ướp với chút muối, mì chính, mẻ, ớt và nghệ. Bố bảo món này ngon nhất là cúc tần nên bố lót gần đầy rổ cúc tần xuống đáy xoong. Vài lần thấy ít, bố lại “lệnh” cho chị tôi đi hái thêm rổ nữa, không đến lúc ăn lại nhìn nhau
Ướp chạch quãng 20 phút là bố chuyển xoong, rải nốt chỗ cúc tần còn lại lên trên, cho nước xâm xấp rồi đun với lửa to. Đợi khi sôi, bố mở liễn lấy một thìa nhỏ mỡ lợn cho vào. Mùi cúc tần quyện với mẻ, nghệ thơm lừng, miệng tứa nước bọt, còn bụng thì sôi lên ùng ục, ùng ục… Bố giảng cho chị em tôi, món này sôi mười lăm phút là chín. Nhưng nếu muốn ngon thì phải để lửa nhỏ, đun đến khi cạn nước.
Khi ăn cơm xúc chạch với cúc tần ra đĩa, trời ơi ngon không thể tả. Những miếng chạch bùi bùi, những cọng cúc tần ngầy ngậy, thanh thanh, thơm mùi mẻ, nghệ. Cao lương mỹ vị cũng chỉ đến thế là cùng! Bây giờ mỗi lần nhớ bố, chúng tôi lại cố gắng làm món ăn xưa, nhưng những rặng cũng tần hầu như đã vắng bóng, nên món chạch kho của chúng tôi chẳng còn đủ vị như bố từng làm, nhưng nó vẫn vương vấn những kỉ niệm của gia đình chúng tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin