Huyện vùng cao Võ Nhai có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội không thuận lợi do địa hình chia cắt, nhiều núi đá, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều… Để khắc phục những khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, công tác cán bộ được xem là một trong những yếu tố then chốt. Phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (đ/c) Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai về vấn đề này.
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên. |
PV: Thưa đồng chí, cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí có thể đánh giá công tác cán bộ của huyện hiện nay?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Về cơ bản, đội ngũ cán bộ của huyện được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ đáp ứng tốt công việc, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, toàn huyện có 434 cán bộ công chức, trong đó cấp huyện 133 đồng chí, cấp xã 301 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: thạc sĩ có 43 đồng chí (chiếm tỷ lệ 32,33%, tăng 5,38% so với đầu nhiệm kỳ); đại học 90 đồng chí (67,67%). Trình độ lý luận chính trị: cao cấp và cử nhân 52 đồng chí (39,1%), trung cấp 78 đồng chí (58,65%); chưa qua đào tạo 3 đồng chí (chiếm 3,65%).
Huyện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có đủ năng lực, trình độ, có khả năng kế cận. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm kỳ 2025-2030. Kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tổng số người quy hoạch 55; tỷ lệ quy hoạch 1,41 lần; cán bộ nữ 19/55; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 9/55 người. Ban Thường vụ, tổng số người quy hoạch 16; tỷ lệ quy hoạch 1,45 lần; cán bộ nữ 5/16; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi 1/16. Công tác quy hoạch cán bộ của huyện luôn chú trọng đảm bảo về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
PV: Cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển, để đội ngũ cán bộ đáp ứng công việc trong tình hình mới, huyện đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường và kể cả vai trò của cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp cơ sở nói riêng. Chính điều này, đã mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn huyện hiện nay.
Vì vậy, Võ Nhai xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vững về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ quản lý Nhà nước phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức chuẩn về tin học, ngoại ngữ, nhất là có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới, biết áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước ở địa phương với tinh thần vì Nhân dân phục vụ.
Trước hết, chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ, công chức của huyện tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn với phải thường xuyên cập nhật các kiến thức về công nghệ thông tin, để biết, để hiểu và áp dụng thành thạo trong giải quyết, xử lý công việc hằng ngày đảm bảo nhanh và hiệu quả.
Huyện đã đầu tư hệ thống máy tính làm việc cá nhân cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp huyện, cấp xã để đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản, các công việc được xử lý qua hệ thống phần mềm giúp quản lý văn bản, kế hoạch, theo dõi, xử lý công việc kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện phòng họp không giấy, toàn bộ các tài liệu của các hội nghị được số hóa, góp phần giảm tải, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng các buổi họp.
Việc trang bị, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cũng được huyện quan tâm thông qua việc thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn chuyển đổi số này.
PV: Thưa đồng chí, luân chuyển, điều động cán bộ là một trong những giải pháp nhằm rèn luyện cán bộ. Vậy vấn đề này được huyện thực hiện như thế nào?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Là huyện vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, do vậy, trong quá trình sắp xếp cán bộ luân chuyển, Võ Nhai rất quan tâm cân nhắc lựa chọn những cán bộ, lãnh đạo có nhiều nét tương đồng, phù hợp với địa bàn đến công tác, như yếu tố dân tộc, đã từng sinh sống, làm việc ở các xã trong một vùng, có tố chất và am hiểu văn hóa của vùng đồng bào... Bởi đây là một trong những yếu tốt rất quan trọng quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ được luân chuyển.
Qua thực tiễn công tác, các đồng chí cán bộ được luân chuyển đã phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ luân chuyển đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cục bộ, địa phương, đồng thời làm cho công tác cán bộ ở cơ sở bảo đảm khách quan, dân chủ hơn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền. Những địa phương có cán bộ chủ chốt không là người địa phương đều chuyển biến tích cực trong các phong trào, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin