Đây là yêu cầu, đòi hỏi thực tế đối với chính quyền các địa phương trong bối cảnh vẫn còn một số tổ chức, doanh nghiệp chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán HĐĐT bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật, nhất là trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Hơn nữa, trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay, nội dung này càng cần phải được quan tâm kiểm soát tốt.
Ảnh minh họa. |
Phải ghi nhận, thời gian qua cơ quan thuế đã rất tích cực hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước. Điều này giúp phục vụ tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Tuy vậy, trong thực tế không tránh khỏi những trường hợp lợi dụng sơ hở để vi phạm, trục lợi.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là một trong những hoạt động bị các đối tượng lợi dụng phát hành, mua bán HĐĐT nhiều nhất, gây khó khăn trong quản lý đối với các cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT trên phạm vi cả nước. Trong đó yêu cầu phải đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT nói chung, HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 1 thương nhân nhượng quyền và 5 thương nhân phân phối với trên 200 cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh khá lớn do có trên 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với hàng chục khu, cụm công nghiệp lớn nhỏ.
Hơn nữa, lượng phương tiện tham gia giao thông của Thái Nguyên đang đứng tốp đầu cả nước. Do vậy, các cấp, các ngành liên quan của tỉnh Thái Nguyên cần phải quyết liệt hơn trong công tác kiểm soát, quản lý việc sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đang giao cho các ngành, trong đó có Cục Thuế tỉnh tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, nhất là trong việc lập HĐĐT tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu giao cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm đối với những trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Ngành Thuế cũng phải tăng cường phối hợp với Cơ quan công an để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Ngành Công an cần tăng cường trách nhiệm phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, không thực hiện HĐĐT. Kịp thời nhận dạng các hình thức gian lận trong việc sử dụng HĐĐT nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính, hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý theo quy định.
Do liên quan nhiều đến hoạt động thị trường, nên các trường hợp gian lận trong sử dụng HĐĐT cần phải được cơ quan Quản lý thị trường quan tâm, kiểm soát chặt việc niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp không niêm yết hoặc niêm yết giá không đúng quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Sở Công Thương cần phải cùng với các địa phương giám sát chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo các đơn vị kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành…
Có thể khẳng định, việc áp dụng HĐĐT là một trong những giải pháp bắt buộc rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là với các HĐĐT về điện, xăng dầu. Và quản lý chặt việc sử dụng HĐĐT là yêu cầu không thể thiếu nếu không muốn để thất thoát ngân sách Nhà nước, mất công bằng trong hoạt động kinh doanh và góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số quốc gia…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin