Mới đây, việc Công ty TNHH Phát triển doanh nghiệp NTD phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến để chính thức thành lập Hội Chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung. Điều này cũng xuất phát từ thực tế còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chè ngoài tỉnh Thái Nguyên vi phạm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương.
Giáo sư Kubo Mutoki (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) cùng các đại biểu thăm HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Thái Nguyên là địa phương không chỉ có diện tích, sản lượng chè đứng đầu cả nước mà còn được biết đến với danh xưng "đệ nhất danh trà". Nói về trà đặc sản, chắc chắn Thái Nguyên không thua kém vùng chè nào trong cả nước. Được thiên nhiên ưu đãi, Thái Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước rất phù hợp để trồng chè đặc sản.
Hơn nữa, chè của Thái Nguyên ngoài các giống truyền thống còn có các loại chè lai cho năng suất, chất lượng cao. Dưới bàn tay điêu luyện trong sao, sấy, lấy hương, bảo quản chè của các nghệ nhân, người làm chè chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, sản phẩm trà Thái Nguyên luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với người tiêu dùng.
Trà Thái có vị đậm đà, thơm ngon, ngọt hậu, tạo cho người thưởng thức cảm nhận thư thái, dễ chịu. Từ lâu, trà Thái đã trở thành đặc sản, thức uống tao nhã, có lợi cho sức khỏe mà trong đời sống sinh hoạt của mọi nhà đều không thể thiếu. Thái Nguyên có nhiều vùng chè đặc sản, trong đó đứng đầu là vùng chè Tân Cương.
Tuy nhiên, lợi dụng sự nổi tiếng của trà Tân Cương mà không ít cơ sở ngoài tỉnh đã làm giả nhãn hiệu Tân Cương để kinh doanh kiếm lời. Việc vi phạm sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm trà có chỉ dẫn địa lý Tân Cương chưa được xử lý triệt để khiến uy tín của cả vùng chè bị ảnh hưởng. Cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần khảo sát các địa phương trong khu vực và đều phát hiện những dấu hiệu vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ.
Được biết, năm 2007, vùng chè Tân Cương (gồm các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng, Phúc Hà, Thịnh Đức thuộc TP. Thái Nguyên) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. UBND tỉnh Thái Nguyên là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương; Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý nội dung này. Do đó, khi một tổ chức, cá nhân sử dụng thương hiệu chè Tân Cương phải được sự chấp thuận của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên thì mới được sử dụng thương hiệu Tân Cương trên bao bì, nhãn mác hoặc biển hiệu của sản phẩm.
Việc chuẩn bị ra mắt Hội Chỉ dẫn địa lý Tân Cương là hoạt động quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người làm chè trong việc bảo vệ sản phẩm trà của tỉnh. Theo quy định, Hội Chỉ dẫn địa lý Tân Cương là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trà nhằm quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương. Hoạt động của Hội này trên cơ sở tự nguyện, không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, hợp tác hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, thương hiệu chè Tân Cương.
Hội Chỉ dẫn địa lý Tân Cương ra đời là sự cụ thể hóa Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Áp dụng đồng bộ công cụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường chất lượng kết hợp chuyển đổi số để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè gắn với Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương". Tổng kinh phí thực hiện dự án này là trên 2,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Phát triển doanh nghiệp NTD được giao chủ trì thực hiện.
Việc tăng cường các hoạt động bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương là cần thiết, và rộng hơn là bảo vệ thương hiệu cho tất cả các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên (trong đó tiêu biểu như: La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh…). Có như vậy, trà Thái Nguyên mới thực sự giữ được uy tín, chất lượng, xứng đáng với danh xưng "đệ nhất danh trà".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin