Hoa thơm nở giữa núi rừng, kỳ 2: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Huệ Dinh - Nguyễn Nguyên 09:20, 28/03/2024

Hiện nay, có 211 người có uy tín ở các xóm, bản trong tỉnh tham gia làm trưởng xóm. “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, những con người ấy luôn hết lòng vì việc chung, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Cũng từ những tấm gương như thế, công cuộc xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực khi hết năm 2023, tỉnh có 5/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trên 110 xã (trong tổng số 126 xã) đạt chuẩn NTM…

Với sự tiếp sức trong công tác tuyên truyền của những người có uy tín, nhiều tuyến đường bê tông ở các xóm, bản vùng cao của tỉnh đã được cứng hóa. Trong ảnh: Đường ở bản người Mông Mỏ Ba (xã Tân Long, Đồng Hỷ) được mở rộng, đổ bê tông, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với sự "tiếp sức" trong công tác tuyên truyền của những người có uy tín, nhiều tuyến đường bê tông ở các xóm, bản vùng cao của tỉnh đã được cứng hóa. Trong ảnh: Đường ở bản người Mông Mỏ Ba (xã Tân Long, Đồng Hỷ) được mở rộng, đổ bê tông, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 

Mải mê việc của xóm, bản

Ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) - nơi có trên 90% hộ dân là người dân tộc Sán Dìu, ai cũng yêu qúy Trưởng xóm Đặng Văn Hồng. Không kể ngày nắng, hay mưa, mỗi khi nhà ai có việc, từ cưới xin hay ma chay, mọi người đều thấy ông Hồng có mặt kịp thời hỗ trợ gia chủ. Với người đàn ông 60 tuổi này, được giúp đỡ mọi người chính là niềm vui, hạnh phúc, ông tin mọi người đều cảm nhận được tình cảm chân thành của mình.

Đã 8 năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở Cầu Cong vẫn luôn nhớ đến hình ảnh người trưởng xóm không kể khuya sớm, tận tụy giám sát từng cung đường đang được cứng hóa. Trước đó, đường vào xóm nhỏ này khó đi lắm! Bởi vậy, ngay khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ông Hồng đã tới từng nhà vận động người dân đóng góp tiền đối ứng làm đường giao thông.

Bằng uy tín của mình, ông đã vận động bà con tham gia cứng hóa được trên 3km đường giao thông. Từ khi có con đường mới, việc đi lại, giao thương hàng hóa ở Cầu Cong thuận tiện hơn rất nhiều, bộ mặt nông thôn ở nơi đây đổi thay đáng kể.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Người có uy tín trong đồng bào DTTS thật sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Cũng giống như ông Hồng, vị Trưởng bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) - Trần Văn Hồ, 57 tuổi, người dân tộc Mông, cũng được người dân hết mực quý trọng. Là bản đặc biệt khó khăn, có hơn 140 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, 4 năm trước, nơi này có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa số.

Vì lẽ đó, vị Trưởng bản, người có uy tín Trần Văn Hồ không quản ngại khó khăn đồng hành với bà con trong mọi hoạt động ở địa phương. Mỗi khi huyện đưa các mô hình phát triển kinh tế mới về Lân Quan, ông lại đến từng hộ dân vận động bà con tích cực tham gia.

Nhờ đó, khoảng 5 năm trở lại đây, một số mô hình như trồng đào ăn quả, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà đen, nuôi dê… đã được triển khai khá hiệu quả, có tính lan tỏa cho các hộ dân học tập. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Lân Quan đã giảm còn 69 hộ.

Đáng nói, người uy tín Trần Văn Hồ còn vận động nhân dân hiến đất làm 1,5km đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa của bản đạt chuẩn NTM. Đồng thời vận động bà con trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp dịp Xuân Giáp Thìn 2024 để thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, từ đó xây dựng nguồn quỹ chung cho bản (trên 30 triệu đồng) cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở Lân Quan…

Theo ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ: Với một địa bàn còn nhiều khó khăn như Lân Quan, huy động đồng bào dân tộc Mông tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, sự gần gũi, luôn hết lòng vì việc chung của ông Trần Văn Hồ đã chạm đến “trái tim” của đồng bào, giúp họ cởi mở hơn và đồng lòng trong mọi việc của địa phương.

Mải mê việc của xóm, bản, ông Hồng, ông Hồ và rất nhiều người có uy tín kiêm trưởng xóm khác trong tỉnh dù “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vẫn cảm thấy vui, hạnh phúc. Bởi, sau những nỗ lực của họ, xóm, bản đã có những đổi thay, đời sống của người dân được nâng lên; diện mạo ở các vùng quê nơi rẻo cao ngày càng khang trang hơn với những cung đường bê tông uốn lượn, nhà văn hóa được đầu tư xây mới…

Người có uy tín, là trưởng xóm ở miền núi, vùng cao của tỉnh luôn tuyên truyền để người dân tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Bà con người dân tộc Mông ở khu Đồng Ươm (xã Dân Tiến, Võ Nhai) đầu tư chăn nuôi gia súc để nâng cao thu nhập.
Người có uy tín, là trưởng xóm ở miền núi, vùng cao của tỉnh luôn tuyên truyền để người dân tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Bà con người dân tộc Mông ở khu Đồng Ươm (xã Dân Tiến, Võ Nhai) đầu tư chăn nuôi gia súc để nâng cao thu nhập.

Hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng

Luôn tâm niệm, người dân đoàn kết, hòa thuận, xóm, bản mới yên vui nên trong cương vị vừa là trưởng xóm, vừa là người có uy tín, nhiều người đã luôn nỗ lực để kết nối các hộ dân, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Đơn cử như ông Ma Xuân Diệp, người dân tộc Tày, Trưởng xóm, người có uy tín ở xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai), nơi có gần 100% hộ dân là người dân tộc Tày sinh sống, đã rất tích cực làm sợi dây kết nối tình đoàn kết giữa các hộ dân với nhau, giữa bản trên xóm dưới. Với lối truyền tải mộc mạc, ông Diệp đã giúp đồng bào dân tộc Tày ở xóm Lam Sơn hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Anh Ma Khánh Lâm, một người dân trong xóm Lam Sơn, cho hay: Tấm gương hết lòng vì mọi người, luôn sẵn sàng hỗ trợ các gia đình trong xóm mọi lúc, mọi nơi của anh Diệp khiến chúng tôi thấy nể phục. Vì lẽ ấy, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm đoàn kết với nhau trong mọi hoạt động ở địa phương, từ việc hỗ trợ nhau ngày công cấy lúa, thu hoạch lúa; trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau phát triển kinh tế gia đinh; giúp đỡ nhau khi có việc cưới, việc tang…

Ông Ma Văn Cao, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Định Biên (Định Hóa): Khi người uy tín kiêm trưởng xóm, họ vừa đóng vai trò lãnh đạo ở cơ sở vừa là hạt nhân tuyên truyền, vận động bà con. Nhờ đó giúp cho các hoạt động của xóm được thông suốt, mọi nhiệm vụ của địa phương đều được triển khai hiệu quả tại cơ sở..

Trong vai trò là hạt nhân đoàn kết ở cộng đồng, những trưởng xóm kiêm người có uy tín tại các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã tham gia tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng thành công, như các ngày lễ kỷ niệm (Ngày sinh nhật Bác, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngày người cao tuổi; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc...). Qua đó tạo thêm sự gắn kết trong cộng đồng ở các xóm, bản vùng cao.

Ông Bế Thanh Sơn, 53 tuổi, người dân tộc Sán Chí, xóm Vu 2, xã Phú Đô (Phú Lương), chia sẻ: Vừa là trưởng xóm, vừa là người có uy tín, mình phải là người nhiệt tình, trách nhiệm nhất để gắn kết mọi người cùng tham gia các chương trình văn nghệ, liên hoan… Các hoạt động tập thể chính là dịp để bà con chòm xóm xích lại gần nhau hơn. Khi đoàn kết, những va chạm trong cuộc sống được giải quyết rất nhanh gọn, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì…

Có thể thấy, nhờ sự tích cực của các trưởng xóm là người có uy tín, đồng bào DTTS của tỉnh đã chung sức, đồng lòng tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Theo đó, nhiều phong trào thi đua của tỉnh được đồng bào tích cực hưởng ứng như “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; "Xóa đói, giảm nghèo”… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh, giảm nghèo bền vững. Hết năm 2023, toàn tỉnh còn 3,35% hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra khoảng 1%...

(Còn nữa)