Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu điện

Hoàng Cường 07:47, 13/05/2024

Nắng nóng đến sớm, phụ tải điện tăng cao khiến cho các tỉnh phía Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu điện từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay. Trước bối cảnh này, ngành chức năng của tỉnh và các doanh nghiệp (DN) đã và đang triển khai nhiều biện pháp bảo đảm cung ứng điện.

Công nhân PC Thái Nguyên tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả trong mùa nắng nóng.
Công nhân PC Thái Nguyên tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả trong mùa nắng nóng.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tính riêng quý I năm nay, trung bình cả nước tiêu thụ 726 triệu kWh/ngày. Bước vào mùa nắng nóng, dự báo mức tiêu thụ điện sẽ đạt kỷ lục 1 tỷ kWh/ngày. 

Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp phát triển và có tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều DN đang trên đà phục hồi sản xuất – kinh doanh, nhất là DN xuất khẩu... khiến phụ tải điện dự kiến tăng khoảng 15%. Trước nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng, các DN đã chủ động xây dựng giải pháp để bảo đảm cung ứng điện.

Tại Công ty TNHH Wiha Việt Nam - chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu ở Khu công nghiệp Sông Công I, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bám sát lịch thông báo cắt điện để chủ động điều chỉnh thời gian sản xuất. Đối với hệ thống lò luyện thép cần phải vận hành liên tục, Công ty chuyển sang đốt bằng khí gas và trang bị thêm máy phát điện dự phòng.

Nhiều DN khác cũng xây dựng phương án cấp điện trong mùa nắng nóng, với các giải pháp như: Bố trí máy phát điện dự phòng; chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn; tham gia điều chỉnh phụ tải điện...

Ông Bùi Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Gang thép, cho biết: Với ngành nghề sản xuất sắt, thép, gang, gia công cơ khí, thiết kế chế tạo, công suất 100.000 tấn/năm, mỗi tháng, Công ty tiêu thụ từ 9-11 triệu kWh điện (tương đương 15 tỷ đồng). Để giảm tiêu hao điện năng, chúng tôi đang đổi mới nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa; xây dựng phương án tự cắt, giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất khi hệ thống điện bị quá tải...

Được biết, nguồn điện miền Bắc được cung cấp 60-70% từ các nhà máy thuỷ điện. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, lũ ít có khả năng xảy ra sớm trên các dòng sông lớn ở miền Bắc. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ chứa thủy điện lớn ở phía Bắc đã xuống mức thấp. Cùng với đó, phụ tải tăng cao trong mùa Hè và không xây dựng mới được dự án nhiệt điện nào khiến miền Bắc có khả năng đối diện thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng từ 420-1.770MW.

Trước bối cảnh này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang ưu tiên giữ nước tối đa ở các hồ chứa thủy điện; đồng thời huy động nguồn điện chạy dầu, than, nhiệt khí, năng lượng tái tạo, mua các nguồn điện nhập khẩu để bảo đảm cấp điện.

PC Thái Nguyên tăng cường ứng dụng công nghệ sửa chữa điện hotline (phương thức sửa chữa điện trực tiếp không cần ngắt nguồn điện).
PC Thái Nguyên tăng cường ứng dụng công nghệ sửa chữa điện hotline (phương thức sửa chữa điện trực tiếp không cần ngắt nguồn điện).

Về phía tỉnh Thái Nguyên, theo ông Trần Hồ Nam, Giám đốc PC Thái Nguyên: Để tăng cường tiết kiệm điện, PC Thái Nguyên đã tổ chức ký kết, thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với 161 khách hàng như: DN thực hiện điều chỉnh kế hoạch sản xuất, dịch chuyển phụ tải giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, tiết giảm công suất và sẵn sàng huy động nguồn dự phòng diesel thay thế nguồn điện lưới khi hệ thống điện thiếu nguồn...

Đến nay, PC Thái Nguyên đã ký thỏa thuận được với 39 khách hàng tự chạy máy phát hỗ trợ ngành Điện khi thiếu công suất nguồn, với công suất khả dụng có thể huy động khi thiếu nguồn đạt 9.000 kVA. Dự kiến, công suất tiết giảm toàn tỉnh trong mùa nắng nóng năm nay đạt 193MW vào các giờ cao điểm.

Ngoài Chương trình DR, PC Thái Nguyên đã hoàn thành đóng điện 76/76 trạm biến áp chống quá tải năm 2024 với tổng công suất 23.480kVA; tăng cường áp dụng sửa chữa, khắc phục lưới điện bằng công nghệ thi công sửa chữa điện hotline (sửa chữa không cần ngắt nguồn điện); tuyên truyền đến người dân, khách hàng về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn…

Bên cạnh sự nỗ lực nói trên, ngành Điện mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp chính quyền trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trồng cây cao gần đường dây, trạm biến áp; thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện; vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hành lang lưới điện; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm... - ông Trần Hồ Nam thông tin thêm.