Theo dự báo, những tháng Hè năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ của cả nước sẽ cao ở mức kỷ lục, nhất là tại các tỉnh miền Bắc. Khi lượng điện tiêu thụ tăng cao hơn so với sản lượng điện được sản xuất dù đã vận hành hết công suất, rất cần các giải pháp hữu hiệu để có thể đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm này.
Cán bộ, công nhân Điện lực Phú Bình làm việc trực tiếp với khách hàng về nhu cầu sử dụng điện. Ảnh: T.L |
Mùa Hè năm nay, nắng nóng đến sớm khiến nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Trong khi đó, lượng nước về các hồ thủy điện lại giảm so với trung bình nhiều năm. Điều này gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho các nhà máy thủy điện.
Thực tế, những tháng đầu năm nay, lượng điện tiêu thụ toàn quốc đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Gần đây, trung bình mỗi ngày, lượng điện tiêu thụ đã ở mức 900 triệu kWh/ngày. Dự tính, vào tháng cao điểm mùa Hè, mức tiêu thụ sẽ đạt tới 1 tỷ kWh/ngày, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60-70 triệu kWh/ngày. Trong đó, riêng miền Bắc, lượng điện tiêu thụ đã tăng so với trước khoảng 12 triệu kWh/ngày.
Theo Trung tâm Hệ thống điện quốc gia, trong khoảng 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7-2024), lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc sẽ đạt trên 27.400MW, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Vào giờ cao điểm, khả năng sẽ bị thiếu hụt điện khoảng từ 1.600-2.900MW.
Hiện nay, nguồn điện của chúng ta chủ yếu trông vào điện than và điện khí. Các nguồn điện khác như thủy điện hay điện năng lượng đóng góp không lớn. Tuy sản lượng điện đã tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, hiện chúng ta đang phải nhập nguồn khí hóa lỏng với giá cao để cấp điện trong nước. Đây là giải pháp đảm bảo cung ứng điện nhưng tạo ra áp lực tăng giá điện.
Để bảo đảm cấp điện cho những ngày cao điểm mùa Hè, bên cạnh việc huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện, ngành Điện còn đề nghị các chủ đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Bắc điều chỉnh các khung giờ phát điện sao cho hợp lý. Đồng thời có giải pháp trong truyền tải điện để đảm bảo an toàn hệ thống điện miền Bắc. Đối với các phụ tải lớn, ngành Điện khuyến cáo sử dụng máy phát điện tại chỗ, sẵn sàng sử dụng khi thiếu điện; tích cực điều tiết phụ tải và kiên trì thực hiện tiết kiệm điện dịp cao điểm.
Với Thái Nguyên, do có lượng phụ tải điện lớn, chủ yếu từ các dự án quy mô tại hàng chục khu, cụm công nghiệp nên dự báo cũng trong diện thiếu điện vào dịp cao điểm mùa Hè năm nay. Trước thực tế trên, Sở Công Thương đang gấp rút triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn điện. Đối với các dự án xây dựng công trình lưới điện trên địa bàn, Sở đang yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng phối hợp hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng…, sớm hoàn thành xây dựng để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng phụ tải của hệ thống điện.
Công ty Điện lực Thái Nguyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các phương án tiết kiệm điện khi xảy ra thiếu điện. Thực hiện việc cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng trên địa bàn, tuân thủ kế hoạch cung ứng điện năm 2024. Có kế hoạch, phương án điều tiết hợp lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm. Tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được yêu cầu tuân thủ nghiêm việc điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị của ngành Điện sao cho phù hợp với hoạt động của từng đơn vị. Có quy định và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, như: Đảm bảo sử dụng điện đúng công suất và đúng biểu đồ phụ tải; triển khai kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn, vào giờ cao điểm và các thiết bị điện hoạt động không tải.
Hai nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh là An Khánh và Cao Ngạn cần chủ động sắp xếp kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị phù hợp, đảm bảo phát điện ổn định, sẵn sàng phát điện theo lệnh điều độ, đảm bảo an ninh cung ứng điện của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin