Mới đây, theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ, Thái Nguyên xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước về Chỉ số CCHC (PAR Index) cấp tỉnh năm 2023. Như vậy, so với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đứng thứ 2 sau tỉnh Bắc Giang. Trong đó, đáng chú ý có 4/8 lĩnh vực, nội dung đánh giá PAR Index 2023 của Thái Nguyên được cải thiện thứ bậc so với năm trước.
Cán bộ, công chức xã Cúc Đường (Võ Nhai) rà soát các hồ sơ chứng thực điện tử. Ảnh: T.L |
Phân tích cho thấy, Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm, gồm: Nhóm A (đạt kết quả từ 90% trở lên), nhóm B (đạt kết quả từ 80% - dưới 90%). Nhóm A có 7 tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên; nhóm B là các tỉnh, thành phố còn lại. Tỉnh Thái Nguyên vượt 3 bậc so với nước 2022, bằng thứ hạng của năm 2021 và tăng 6 bậc so với năm 2020.
Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Với Thái Nguyên, trong 8 lĩnh vực, nội dung đánh giá, có 4 lĩnh vực được cải thiện khá rõ về thứ bậc, gồm: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. 4 lĩnh vực, nội dung đánh giá này đã giúp tăng thứ hạng Chỉ số CCHC của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là 2 lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đối với lĩnh vực cải cách TTHC, chúng ta đạt số điểm gần tuyệt đối, với 12,92/13 điểm, xếp vị trí thứ 10 của cả nước, tăng 15 bậc so với năm trước. Theo đánh giá của Sở Nội vụ tỉnh, đây là một trong những lĩnh vực có điểm số và thứ hạng hạng tăng cao, tỷ lệ đạt 99,42%, cao nhất trong 3 năm gần đây.
Phân tích chuyên môn cũng cho thấy, các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong lĩnh vực cải cách TTHC của Thái Nguyên năm 2023 được đánh giá tốt gồm: Kiểm soát TTHC; xử lý các vấn đề phát hiện qua rà soát TTHC; nhập, đăng tải công khai TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi công bố.
Đặc biệt, năm qua, cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tỉnh được triển khai thực hiện khá hiệu quả, với tỷ lệ TTHC thực hiện tại bộ phận một cửa rất cao. Số TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp, giữa các cấp chính quyền đạt yêu cầu đề ra. Trong lĩnh vực cải cách TTHC của tỉnh Thái Nguyên còn có tiêu chí thành phần là Công khai TTHC và các quy định có liên quan đã đạt điểm tuyệt đối trong bộ đánh giá chỉ số.
Cùng với cải cách TTHC, lĩnh vực Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 cũng đạt kết quả khá cao, trên 12,5 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Trong lĩnh vực này có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần được giữ mức ổn đinh, gồm: Phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử, kết nối phần mềm quản lý văn bản, khai thác, sử dụng thư điện tử; Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Thiết lập, vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Tuy vậy, theo đánh giá, một số lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của tỉnh năm 2023 đã giảm thứ hạng, trong đó đáng chú ý là các tiêu chí về Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách bộ máy hành chính.
Chính bởi vậy, để có thể đạt thứ hạng Chỉ số CCHC cao hơn, các cấp, ngành trong tỉnh phải cùng vào cuộc, phân tích làm rõ những điểm còn hạn chế để khắc phục. Phấn đấu năm 2024 và các năm tiếp theo, Chỉ số CCHC của Thái Nguyên tiếp tục được cải thiện với thứ hạng cao trong nhóm A và có thể đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin