Trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng, anh em ruột thịt, hàng xóm… không tránh khỏi những bất hòa. Nhiều vụ xung đột như cãi vã trong gia đình dẫn đến những vụ ẩu đả; các vụ tranh chấp đất đai khiến cho tình làng, nghĩa xóm bị sứt mẻ… Tuy nhiên, nhờ có “lời” của “trụ cột”, nhiều vụ bất hòa đã được giải quyết triệt để. 10 năm qua, toàn tỉnh hòa giải thành công 14 nghìn vụ, trong đó nhiều vụ việc có sự tham gia của người uy tín.
Ông Phan Thế Mạnh (66 tuổi, dân tộc Nùng, xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) tranh thủ kinh nghiệm của người lớn tuổi trong xóm để tuyên truyền, vận động người dân luôn sống đoàn kết. |
Nghe “già làng”, gia đình hòa thuận
Nhiều cặp vợ chồng, anh em, họ hàng có những mối bất hòa. Cũng vì những xung đột ấy mà không ít cặp vợ chồng chưa quan tâm chăm lo phát triển kinh tế gia đình; anh em trong nhà muốn từ mặt nhau. Tuy nhiên, dưới sự khuyên bảo của “già làng” là người có uy tín, nhiều cặp vợ chồng, gia đình đã sống yên ấm, chăm lo làm ăn, kinh tế gia đình ổn định.
Ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ (Định Hóa): Với sự tài tình của người có uy tín tại các xóm, bản, nhiều vụ tranh chấp được hòa giải ngay từ cơ sở, giúp giảm tình trạng đơn thư phản ánh, khiếu nại lên các cấp cao hơn. Qua đó giảm áp lực cho chính quyền cơ sở, đảm bảo sự yên bình trong vùng đồng bào DTTS. |
Bà Hoàng Thị Hơn (dân tộc Tày, 74 tuổi, người có uy tín ở xóm Hợp Tiến, xã Phú Tiến, Định Hóa) là một trong những “già làng” chuyên đi hòa giải mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trẻ. Bà cho biết: Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến cho nhiều đôi trẻ thường xuyên cãi vã, dẫn đến “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” và muốn ly hôn. Hiểu được tâm lý của bọn trẻ, tôi đã đến động viên, chia sẻ, khuyên nhủ và hòa giải thành công cho rất nhiều cặp vợ chồng. Trong đó đáng nhớ nhất là vào năm 2014, cặp vợ chồng cùng tuổi (đều sinh năm 1981), luôn cãi vã, ẩu đả lẫn nhau và đã có ý định ly hôn. Vào giai đoạn căng thẳng nhất, tôi đến nhà gặp gỡ, nói chuyện riêng với từng cháu. Ban đầu, cả hai rất cứng đầu bởi cái tôi của người nào cũng cao. Sau khi nghe tôi phân tích ngọn ngành, nhắn nhủ các cháu phải biết chia sẻ, cảm thông với nhau, thuận vợ, thuận chồng, vì các con… bọn trẻ đã làm hòa. Giờ thì hai vợ chồng đang sống hạnh phúc, kinh tế ổn định, con cái đều đã lớn, ngoan ngoãn…
Tương tự bà Hơn, trong vai trò là người có uy tín, ông Phan Thế Mạnh (66 tuổi, dân tộc Nùng, xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) cũng đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ cãi vã, mất đoàn kết của các gia đình. Ông Mạnh cho biết: Trong các vụ hòa giải, tôi nhớ nhất trường hợp 2 anh em họ hàng, vì có những bất hòa trong cuộc sống nên đã từ mặt nhau. Cũng vì lý do này mà người có đất sản xuất ở bên ngoài đã rào kín đường đi khiến cho người có đất ở bên trong không thể canh tác được.
Khi ấy, trong vai trò là người uy tín, ông Mạnh đã đến phân tích thiệt hơn với cả hai người. Điểm mấu chốt mà ông nhắc đến chính là “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đánh nhau”, người ngoài cười chê, không ai có lợi. Sau nhiều lần trò chuyện, chia sẻ, hai gia đình cũng đã ngồi lại với nhau và đồng ý giải quyết mâu thuẫn. Vụ việc này đã được hòa giải thành công từ 3 năm trước. Hiện nay, hai gia đình đã vui vẻ, hòa thuận trở lại, tạo điều kiện cho nhau đi lại, sản xuất trên đồng ruộng…
Nhiều vụ tranh chấp được hóa giải thành công
Đối với người dân ở các xóm, bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh, đôi khi có những vụ việc tranh chấp khá phức tạp không thể giải quyết bằng "cái lý" mà lại hòa giải thành công nhờ "cái tình". Và người khơi gợi "cái tình" để các vụ tranh chấp hòa giải thành công chính là những người có uy tín.
Chia sẻ với chúng tôi về những vụ tranh chấp đã hòa giải thành công, ông Nông Văn Gia (58 tuổi, dân tộc Tày, người có uy tín ở xóm Làng Quặng, xã Định Biên, Định Hóa) cho hay: Ở nông thôn, các vụ tranh chấp chủ yếu là đất đai. Các cụ thường nói, “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, vì thế khi có các vụ tranh chấp xảy ra, là người có uy tín, trước hết tôi phải tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi mới đến gặp và đưa ra lời khuyên chân thành nhất với từng người. Khi trò chuyện, mình chưa mang "cái lý" ra nói mà phải dựa vào "cái tình" để mỗi người đều nhận ra việc gì nên làm, việc gì không nên làm.
Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ: Là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của đồng bào, cùng với kinh nghiệm thực tế, thời gian qua, 91 người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời, thấu tình, đạt lý nhiều vụ việc trong cộng đồng, không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần giữ bình yên cho xóm, bản.. |
Cũng nhờ có cách làm “thuận lý hợp tình”, gần 20 năm nay, ông Gia đã hòa giải thành công khoảng 30 vụ tranh chấp khá phức tạp ở xóm, từ việc tranh chấp đường đi, bờ rào đến đất sản xuất, đất thổ cư. Trong đó có vụ việc hai anh em ruột thịt tranh chấp đất ở - tài sản được thừa kế từ cha mẹ. Sự việc này kéo dài khiến các ban, đoàn thể của xóm đã phải mất rất nhiều thời gian đến hòa giải.
Tuy nhiên, với cách làm thấu tình, đạt lý của ông Gia, sau 3 năm (từ 2019-2022), vụ việc đã được hòa giải thành công. Người em, dù đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử đất vẫn đồng ý chia phần cho người anh. Cũng từ đây, hai anh em đã hòa thuận, cùng chăm lo cho cha mẹ…
Cũng bằng uy tín của mình, ông Hoàng Văn Duyên (62 tuổi, dân tộc Cao Lan, người uy tín xóm Đồng Quán, xã Dân Tiến, Võ Nhai) đã hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai ở địa phương. Đơn cử như vụ tranh chấp 1.000m2 đất rừng sản xuất của hai anh em ruột xảy ra trong năm 2023. Với mong muốn chấm dứt vụ tranh chấp sớm nhất, ông Duyên đã đến gặp từng người để động viên, thuyết phục, giải thích. “Nói phải củ cải cũng nghe”, cuối cùng, vụ việc này đã được giải quyết ngay từ khi bắt đầu manh nha, giúp cho tình cảm của người trong nhà không bị sứt mẻ, anh em hòa thuận…
Người có uy tín xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), trao đổi phương pháp tuyên truyền, vận động người dân làm theo "cái" đúng với Trưởng xóm và cán bộ huyện. |
Hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong gia đình đã khó, hòa giải các vụ việc liên quan giữa cá nhân với tập thể còn khó hơn. Nhưng “khó mấy cũng phải làm được” là tâm niệm của rất nhiều người có uy tín bởi với họ, chỉ khi xóm, bản đoàn kết, kinh tế mới phát triển, đời sống người dân mới được nâng lên. Điển hình cho việc khó vẫn làm được chính là vụ việc xảy ra ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ).
Năm 2023, xóm nhỏ này được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng. Theo đó, xóm được đầu tư xây dựng nhà văn hóa theo mô hình nhà sàn. Dù vậy, khuôn viên xây dựng nhà văn hóa cần được mở rộng thêm khoảng 360m2, trong khi hai hộ dân ở đây không muốn hiến đất. Họ gần như “đóng cửa”, thậm chí là thể hiện sự bất hòa với mọi người, nhất là khi các ban, đoàn thể của xóm đến vận động.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của một “già làng”, ông Hoàng Văn Toòng (70 tuổi, dân tộc Nùng, là người có uy tín của xóm) đã hóa giải thành công sự việc tưởng chừng rất phức tạp này. Đến nay, nhà văn hóa với khuôn viên rộng rãi, đẹp đẽ đã chuẩn bị hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân Tân Đô.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin